THÀNH PHỐ VĨNH LONG
Năm 1757, khi vua Chân Lạp là Nặc Tôn
nhượng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn, để quản lý vùng đất mới, chúa Nguyễn
Phúc Khoát[1] đã
cho dời dinh Long Hồ, châu Định Viễn từ phía bên bờ bắc sông Tiền qua xứ Tầm
Bào thuộc thôn Long Hồ[2]. Đến
năm 1780 là lỵ sở của dinh Vĩnh Trấn; đến năm 1808 là lỵ sở của trấn Vĩnh
Thanh.
Cây đa cửu hữu bóng cũ thành xưa
Đến năm Gia Long thứ 7(1808), thành
phố chủ yếu nằm thuộc các thôn Bình Lữ, Vĩnh Tòng(Tùng), Tân Sơn, Long Phụng[3], Tân
Hòa, Tân Giai (tổng An Trung, huyện Vĩnh An); thôn Long Hồ, Trường Xuân, Long
Thanh[4],
Mỹ Tường, Sơn Đông, Mỹ Lợi(tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình) đều thuộc phủ
Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.
Đến năm Minh Mạng thứ 13(1832), diên
cách thành phố nằm trong các thôn Bình Lữ, Tân Giai, Tân Hoa, Tân Hội, Tân Sơn,
Vĩnh Tòng[5](tổng
Bình An); thôn Long Hồ, Long Thanh, Mỹ Thới, Mỹ Tường, Sơn Đông(tổng Bình Long)
đều thuộc huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1867 các thôn thuộc hạt thanh tra Định Viễn, rồi thuộc hạt thanh tra
Vĩnh Long. Từ ngày 5.1.1876, các thôn đổi
gọi là làng, thuộc hạt tham biện Vĩnh Long. Ngày 31.3.1886 làng Bình Lữ sáp
nhập với làng Tân Hữu thành làng Tân Bình; làng Tân Sơn hợp với làng Vĩnh Tòng
thành làng Tân Ngãi. Ngày 18.6.1887 sáp nhập các làng Long Phụng, Mỹ Thới, Mỹ
Tường và Thanh Mỹ thành làng Thiềng Đức[6]
Ngày 25.1.1908, Chính quyền Pháp tổ
chức thêm cấp quận; địa bàn thành phố chủ yếu thuộc quận Long Châu[7], nằm trong các làng Tân Bình, Tân Giai, Tân Hạnh, Tân
Hòa, Tân Hội, Tân Ngãi và Tân Hiệp(tổng Bình An); làng Long Hồ(tổng Bình Long);
làng Long Thanh, Sơn Đông, Thiềng Đức(tổng Bình Thiềng).
Ngày 9.2.1917, quận Long Châu đổi tên
thành quận Châu Thành, và địa giới thành phố nằm chủ yếu trong các làng Tân
Bình, Tân Giai, Tân Hòa, Tân Hội và Tân Ngãi(tổng Bình An); làng Long Hồ, Long
Châu(tổng Bình Long); làng Sơn Đông, Long Thanh, Thiềng Đức(tổng Bình Thiềng).
Đến ngày 24.11.1932 sáp nhập 3 làng Sơn Đông, Long Thanh, Thiềng Đức thành làng
Long Đức Đông(tổng Bình Thiềng).
Sau năm 1956, làng tỉnh lỵ Long Châu
được đổi thành xã Long Châu, tổng Phước An, quận Châu Thành.
Năm 1948[8], do
yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở nội ô, Chính quyền cách mạng lập
đơn vị tx.Vĩnh Long, gồm có 3 phường: Phường Một, Phường Hai và Phường Ba[9]. Đến
đầu năm 1961, Thị xã ủy Vĩnh Long được tái lập, địa giới hành chính được điều
chỉnh, mở rộng ra, các Phường trước đây được đổi thành Hộ, gồm Hộ 1(Phường Một),
Hộ 2(Phường Hai), Hộ 3(Phường Ba), Hộ 4 và Hộ 7(Phường Bốn), Hộ 5, Hộ 6(Phường
Năm). Khoảng giữa năm 1967, nhằm chuẩn bị địa bàn cho cuộc tiến công và nổi dậy
Tết Mậu Thân năm 1968, địa giới hành chính được mở rộng ra 7 Hộ và 9 xã vùng
ven là Tân Hòa, Tân Ngãi, Tân Hạnh, Phước Hậu, Long Mỹ, Thanh Đức, An Bình,
Đồng Phú và Bình Hòa Phước. Từ năm 1971, địa giới hành chính của thị xã bị thu
hẹp lại chỉ còn các Hộ trong nội ô; còn các xã An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng
Phú, Thanh Đức và Long Thanh thuộc huyện Cái Nhum; còn các xã: Phước Hậu, Tân
Hạnh, Tân Hòa và Tân Ngãi giao về huyện Châu Thành A(nay thuộc huyện Long Hồ)[10]
Sau 30.4.1975, thành lập tỉnh Cửu
Long, phần đất của quận Châu Thành được tách ra thành lập thị xã Vĩnh Long; các
Hộ trong kháng chiến trước đây được đổi lại tên gọi là Phường. Ngày 11.3.1977, huyện
Châu Thành Tây tách 2 xã Tân Hòa và Tân Ngãi để sáp nhập vào thị xã.
Ngày 17.4.1986, Hội đồng Bộ trưởng
Việt Nam ra quyết định số 44/HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Vĩnh
Long như sau: Tách các xã An Bình, Bình Hoà Phước, Đồng Phú, Thanh Đức, Tân
Hạnh (trừ ấp An Hiệp và 1/2 ấp Phước Bình), và xã Long Phước (gồm ấp Phước Hanh,
Phước Ngươn A, 1/2 ấp Phước Lợi A và 4/5 ấp Phước Lợi B) thuộc huyện Long Hồ để
sáp nhập vào thị xã Vĩnh Long. Thành lập xã Phước Hậu thuộc thị xã Vĩnh Long
trên cơ sở các ấp Phước Hanh, Phước Ngươn A, 1/2 Phước Lợi A và 4/5 Phước lợi B
của xã Long Phước thuộc huyện Long Hồ mới sáp nhập vào thị xã Vĩnh Long. Sau
khi mở rộng địa giới hành chính, thị xã Vĩnh Long có 7 phường là phường 1,
phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường 8, phường 9 và 8 xã An Bình,
Bình Hoà Phước, Đồng Phú, Phước Hậu, Tân Ngãi, Tân Hoà Bắc, Thanh Đức, Tân
Hạnh.
Ngày 26.12.1991, tỉnh Cửu Long được
tách thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Thị xã là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh
Long. Ngày 13.2.1992, các xã Đồng Phú, An Bình, Bình Hoà Phước, Phước Hậu, Tân
Hạnh, Thanh Đức được trả về huyện Long Hồ. Thị xã còn 7 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 và 2 xã:
Tân Hoà, Tân Ngãi. Ngày 9.8.1994[11], chia
xã Tân Hòa thành 2 xã Tân Hòa và Tân Hội; Chia xã Tân Ngãi thành hai xã Tân
Ngãi và Trường An.
Ngày 17 tháng 7 năm
2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1010/
QĐ-BXD công nhận thị xã Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long là đô thị loại III. Ngày 10.4.2009[12],
thị xã chuyển lên thành thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thành phố có 11 đơn vị
hành chính, gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường 5, Phường 8, Phường
9 và 4 xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hoà, Tân Hội.
[2] Nay là khu vực Phường 1 – Tp Vĩnh Long.
[3] Thời chúa Nguyễn là thôn Tân Phú Tây.
[4] Mới lập.
[5] Hay còn đọc là Vĩnh Tùng.
[6] Theo Nguyễn Đình Tư trang 1029 – 1030, thì hợp 3 làng Long Phụng,
Mỹ Thới, Tân Mỹ Đông thành làng Thiềng Đức. Trong đó làng Tân Mỹ Đông đến ngày
7.5.1890 hợp với làng Hiệp An thành làng Chánh An. Ở trang 281, tác giả lại đưa
ra mốc thời gian sáp nhập 2 làng Hiệp An và Tân Mỹ Đông là ngày 31.3.1886. Hai
mốc thời gian này đều không thống nhất ? Vả lại, xã Chánh An hiện nay nằm ở
dưới chót vót giáp với Vũng Liêm. Do đó, để làng Tân Mỹ Đông hợp với các làng
Long Phụng, Mỹ Thới, Thanh Mỹ để thành làng Thiềng Đức thì không thể.
[7] Tỉnh Vĩnh Long từ 25.1.1908 có 5 quận: Long Châu, Chợ Lách, Cái
Nhum, Vũng Liêm, Ba Kè.
[8] Theo tài liệu của ông Trịnh Văn
Lâu, năm 1948 thành lập tx.Vĩnh Long bao gồgoofcacs x.Long Châu, Tân Giai,
Thiềng Đức và một phần của các x.Long Hồ,Tân An, Long Thanh. Tuy nhiên, theo
Tiến sĩ Trần Mỹ Hạnh, trong « Lịch sử phường 5(1732 – 2002) » trang
7, cho biết : « Năm 1949, thành lập tx.Vĩnh Long, gồm 3
phường.....Phường Một(nguyên trạng như
Phường Một ngày nay ; Phường Hai(bao gồm vùng đất của Phường Hai, Phương
Ba, Phường Tám, Phường Chín ngày nay ; Phường Ba (bao gồm vùng đất Phường
Năm, x.Thanh Đức ngày nay)
[9] Phường 1 như hiện trạng ngày nay; Phường
2 gồm giới hạn: Phường 2, Phường 3, Phường 8, Phường 9, ấp Phước Hanh, (xã Phước Hậu), một phần xã Tân Hạnh, và một phần xã
Tân Ngãi; Phường 3 bao gồm Phường 5, xã Mỹ An, Hòa Tịnh, Bình Phước, Sơn Đông.
[10] Lược ghi theo Lịch sử Đảng bộ thành phố
Vĩnh Long, tập 1, trang 13 - 14
[11] Theo Nghị định 85 – CP của Chính phủ.
[12] Theo Nghị định số 16/NĐ-CP của Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét